1 chiếc bánh trung thu có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào?
Bánh Trung thu là một phần không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu, mang đậm giá trị văn hóa và tinh thần của người Việt Nam. Chiếc bánh tròn với hương vị thơm ngon, ngọt ngào tượng trưng cho sự sum vầy, viên mãn của gia đình trong dịp Tết đoàn viên.
Nguồn gốc bánh Trung thu
Tại Trung Quốc
Bánh Trung thu, món bánh cổ truyền gắn liền với Tết Trung thu, không chỉ mang hương vị thơm ngon mà còn ẩn chứa câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa. Tương truyền, nguồn gốc bánh Trung thu bắt nguồn từ Trung Quốc, gắn liền với cuộc khởi nghĩa nông dân vào cuối thời Nguyên do Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn lãnh đạo.
Để truyền thông tin và mệnh lệnh khởi nghĩa một cách bí mật, người dân đã sáng tạo ra những chiếc bánh hình tròn. Bên trong mỗi chiếc bánh, họ khéo léo lồng ghép tờ giấy ghi thời gian khởi nghĩa – vào lúc trăng sáng nhất, tức là rằm tháng 8. Nhờ sự thông minh và tinh thần đoàn kết, cuộc khởi nghĩa đã thành công vang dội, đưa Chu Nguyên Chương lên ngôi vua, lập ra triều Minh.
Từ đó, Bánh Trung thu không chỉ đơn thuần là món bánh ngon mà còn trở thành biểu tượng cho sự khởi nghĩa, cho tinh thần đoàn kết và cho mong ước về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tại Việt Nam
Ngày xưa, có một nàng tiên tên Hằng Nga ở trên trời rất xinh đẹp, cai quản cả vầng trăng. Hằng Nga rất yêu trẻ con nên mong ước của nàng là một lần được xuống trần gian chơi với các em bé, nhưng do quy định nên không được phép.
Hôm nọ, Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi “Làm bánh ngày rằm” vào dịp Rằm tháng 8 có trăng tròn nhất, ai làm bánh ngon và đẹp, lạ mắt nhất sẽ được trọng thưởng.
Điều này khiến Hằng Nga rất thích thú và tham gia ngay. Khi xuống nhân gian tham khảo thì nàng gặp được Cuội – chàng hay nói dóc, thường tụ họp nhiều trẻ em trong làng vào mỗi tối để kể chuyện tầm phào.
Ngoài việc hay nói dóc thì Cuội rất giỏi nấu ăn, hay làm bánh cho những đứa trẻ ăn nên Cuội rất được trẻ em yêu quý. Thấy vậy, Hằng Nga mới mở lời nhờ Cuội cùng nàng làm ra loại bánh đặc biệt. Cuội đã sáng kiến, làm ra loại bánh nướng với nhiều nguyên liệu như: trứng, mè, thịt, lạp xưởng, hạt sen,…
Cuối cùng, thành phẩm những chiếc bánh thơm phức ra lò, những đứa trẻ ăn đều khen ngon. Khi đến thời hạn trở lại thiên đình, Hằng Nga đã đem loại bánh trên để dự thi, từ biệt chàng Cuội tài năng, tốt bụng.
Nhưng vì Cuội không nỡ xa Hằng Nga nên đã nắm chặt tay nàng và một điều bất ngờ xảy ra là chàng đã bị kéo lên cung trăng. Trong khi đó, Hằng Nga cũng giành giải với món bánh chưa được đặt tên, được Ngọc Hoàng sau đó đặt là bánh Trung thu và ban cho nàng một điều ước như đã hứa.
Nàng đã ước rằng, mỗi dịp ngày Rằm tháng 8 sẽ được cùng Cuội xuống nhân gian vui đùa, chơi với các em nhỏ. Điều ước được chấp thuận, từ đó Ngọc Hoàng cũng đặt tên cho ngày rằm tháng 8 là “Tết Trung thu”.
Ý nghĩa Bánh Trung thu
Mặc dù du nhập về Việt Nam nhưng bánh Trung thu ngày nay đã ăn sâu vào trong trong tâm trí người Việt bởi những ý nghĩa mang giá trị nhân văn của chính nó.
Ở Việt Nam 2 loại bánh Trung thu truyền thống thịnh hành nhất là bánh dẻo và bánh nướng. Mỗi loại bánh đều mang những ý nghĩa khác nhau:
Bánh trung thu dẻo là biểu tượng cho đoàn viên, màu trắng ngà của bánh thể hiện sự khăng khít của tình yêu vợ chồng.
Bánh trung thu nướng thể hiện rằng dù ta có đối mặt và trải qua bao khó khăn thì vẫn luôn có người thân bên cạnh, chở che ta. Nhân bánh đủ vị mặn, ngọt,.. thể hiện sự ấm áp, ngọt ngào của tình thân gia đình.
Thông tin liên hệ
𝐃𝐨𝐥𝐜𝐞 𝐛𝐲 𝐖𝐲𝐧𝐝𝐡𝐚𝐦 𝐇𝐚𝐧𝐨𝐢 𝐆𝐨𝐥𝐝𝐞𝐧 𝐋𝐚𝐤𝐞
Điện thoại: (+84) 243 365 9999 | Email: reservation@dolcehanoigoldenlake.com